Chỉ số chất lượng không khí (Air Quality Index – AQI)

Để có AQI người ta phải đo 1 trong số thành phần ô nhiễm không khí sau:

  • Bụi mịn có đường kính ≤ 2,5 micron (PM2.5), lấy trung bình 24 giờ ;
  • Bụi mịn có đường kính ≤ 10 micron (PM10), trung bình 24 giờ;
  • Ô xít carbon (CO), trung bình 8 giờ;
  • Ô xít lưu huỳnh (SO2), trung bình 1 giờ hoặc 24 giờ;
  • Ô zôn (O3), trung bình 1 giờ hoặc 8 giờ;
  • Ô xít Ni tơ (NO2), trung bình 1 giờ.

Việc tính AQI theo thành phần nào, thì cần nêu rõ kết quả tính AQI theo thành phần đó. Điều này rất quan trọng, vì tại một thời điểm có thể AQI (PM2.5) là xấu, nhưng AQI (PM10) có thể là tốt, hoặc ngược lại. Do đó, trong thực tế, người ta tính AQI cho từng thành phần, và thông báo AQI xấu nhất. Thông thường, ở các khu vực đô thị, khí thải từ phương tiện giao thông là chiếm phần lớn, do đó người ta thường đo thành phần bụi mịn PM2.5 để tính AQI. Trong PM2.5 có thể chứa các thành phần hóa học độc tính vô cơ và hữu cơ (như các bon đen-BC, PAHs, carbonyls, quinones). Nồng độ và phân bố bụi mịn PM2.5 thay đổi theo không gian và thời gian phụ thuộc nguồn phát thải và điều kiện khí tượng. Hiện nay việc đo PM2.5 thường được thực hiện bằng thiết bị đo tự động gắn tại một điểm cố định nào đó như cột đèn, cột tín hiệu giao thông, ban công nhà, và truyền dữ liệu qua mạng về trung tâm xử lý. Trên Hình 1 là ví dụ chuỗi dữ liệu đo trực tiếp được hiển thị (online) trên website tại một vị trí đo PM2.5. Bụi mịn được cảm ứng liên tục 24 giờ và số liệu đọc ra 1 phút 1 lần từ 12:30 ngày 19/10/2019 đến 12:29 ngày 20/10/2019 (tổng số 1440 số liệu). Giá trị PM2.5 trung bình sau 24 giờ là 5,62 μg/m3.

Hình 1: Số liệu đo PM2.5 được hiển thị liên tục.

Kết quả đo cho thấy, phần lớn số liệu đo PM2.5 trong 24 giờ nằm dưới ngưỡng tiêu chuẩn Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là 25 μg/m3 (micro gam/khối khí), dù bắt đầu từ lúc 8:07 ngày 20/10/2019 giá trị PM2.5 tăng đột biến, cao nhất đến 41,56 μg/m3, có thể do tắc nghẽn giao thông 5-10 phút tại vị trí đo.

Sau khi có số liệu đo PM2.5, có thể vào trang web sau để tính AQI: https://airnow.gov/index.cfm?action=airnow.calculator

Hình 2: Giao diện tính nồng độ ô nhiễm PM2.5 sang AQI

Sau khi nhập PM2.5=5,62 (μg/m3), kết quả ta có AQI=23 (theo PM2.5, lấy trung bình sau 24 giờ). Với AQI=23, chất lượng không khí là tốt (Good, màu xanh). Những người có bệnh hô hấp hoặc tim mạch có thể nhạy cảm với loại ô nhiễm này, tuy nhiên với kết quả AQI trên thì không có tác động sức khỏe và không cần khuyến cáo.

Như ví dụ đã nêu, khi xem các thông báo hay công bố Chỉ số chất lượng không khí (AQI), cần nắm rõ thông tin đi kèm như vị trí đo thành phần ô nhiễm ở đâu, AQI được tính theo thành phần ô nhiễm nào, giá trị có được tính trung bình không hay chỉ là tức thời. Nếu là giá trị đo là tức thời thì chưa thể kết luận chất lượng không khí. Trong ví dụ trên, nếu lấy số đo tại một thời điểm tức thời (PM2.5= 41,56 μg/m3, tức AQI=116, màu cam) để kết luận chất lượng không khí của ngày 20/10/2019 tại khu vực đó là không chính xác.

Trang web đã nêu, có thể dùng để tính nồng độ thành phần ô nhiễm nếu biết AQI của thành phần đó. Ví dụ: Nếu có giá trị AQI (theo PM2.5) = 120, có thể tính ra nồng độ PM2.5 như Hình 3:

Hình 3: Tính nồng độ ô nhiễm từ AQI

Giá trị tính được PM2.5 = 43,2 μg/m3 lớn hơn tiêu chuẩn của WHO, AQI hiện màu cam, do đó gây hại sức khỏe cho nhóm nhạy cảm (người có bệnh hô hấp và tim mạch, trẻ em và người lớn tuổi), và khuyến cáo tránh phơi nhiễm/tiếp xúc không khí ô nhiễm kéo dài.

Các bằng chứng mới đây chỉ ra rằng, ngay cả khi nồng độ bụi mịn PM2.5 ở dưới ngưỡng tiêu chuẩn, tác động đối với sức khỏe vẫn có thể xảy ra. Do đó, việc cải thiện môi trường không khí ở các đô thị và thành phố lớn là mục tiêu rất quan trọng để đảm bảo sức khỏe cộng đồng. Hiện nay, nhiều nước đã triển khai chính sách giao thông sạch và không phát thải bằng việc từng bước điện khí hóa phương tiện giao thông, trong đó xe điện (Electric vehicle- EV) là một giải pháp để thay thế phương tiện giao thông sử dụng xăng, dầu hoặc khí ga. Điện khí hóa phương tiện giao thông không những làm giảm ô nhiễm không khí đô thị mà còn góp phần giảm phát thải khí CO2 và chống biến đổi khí hậu.

Trần Phương Đông

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *