Thách thức liên quan tới năng lượng

Hiện nay có bốn mối quan ngại liên quan đến vấn đề năng lượng: sụt giảm trữ lượng nhiên liệu hóa thạch; biến đổi khí hậu do sự nóng lên toàn cầu; an ninh năng lượng; biến động giá dầu.

Trữ lượng nhiên liệu hóa thạch sụt giảm

Tổng trữ lượng dầu toàn thế giới khoảng 2.000 tỉ thùng (1 thùng = 158,98 lít). Mức tiêu thụ toàn thế giới khoảng 71,7 triệu thùng/ngày. Hoa Kỳ hiện đang trong thời kỳ suy giảm trên đường cong trữ lượng. Một số nước khác như Anh và Na Uy đang đạt tới điểm cực đại. Tuy nhiên, năm quốc gia vùng Vịnh gồm Saudi Arabia, Iraq, Iran, Kuwait và UAE đang trong thời kỳ đầu của suy giảm.

Hầu hết các chuyên gia cùng nhận định rằng, điểm cực đại của đường cong sụt giảm rơi vào thời điểm mức sản xuất dầu đạt tới 1.000 tỉ thùng, tức là một nửa tổng trữ lượng. Cho tới nay, thế giới đã tiêu thụ hết 1.000 tỉ thùng dầu, và trữ lượng chỉ còn lại khoảng 1.000 tỉ thùng.

Nghiên cứu năm 2003 cũng chỉ ra trữ lượng dầu ở khu vực Bắc Mỹ chỉ còn đủ cho 10 năm, châu Âu và Á – Âu là 57 năm và châu Á – Thái Bình Dương là 40 năm.

Theo nghiên cứu của Đại học Uppsala (Thụy Điển), lượng dầu cung cấp sẽ đạt đỉnh vào thời kỳ sau năm 2010, và khí đốt không lâu sau đó, làm cho giá dầu và các nhiên liệu khác sẽ tăng vọt cùng với các hậu quả kinh tế tiềm ẩn nếu như con người không chuyển hướng tới các nguồn năng lượng khác.

Biến đổi khí hậu

Có một mối quan hệ mật thiết giữa năng lượng và môi trường. Sản xuất và sử dụng các nguồn năng lượng gây ảnh hưởng không mong muốn tới môi trường, với mức độ phụ thuộc vào hiện trạng của hệ sinh thái, phân bố và sức khỏe của người dân, công nghệ sản xuất và tiêu thụ năng lượng, và thành phần hóa học của của nguồn năng lượng hoặc thiết bị chuyển hóa.

Các con số về ôxít cácbon (CO2) cho thấy trận “đại hồng thủy” chất thải đã tăng mạnh. Phát thải CO2 toàn cầu tăng tới 23,9 tỉ tấn vào 2001 so với 21,5 tỉ tấn vào năm 1990. Tổng lượng CO2 phát thải được dự báo vào năm 2025 là 37,1 tỉ tấn. Nhiệt độ không khí trung bình toàn cầu được dự báo là tăng khoảng từ 1oC-4,5oC và mực nước biển tăng khoảng 50 cen ti mét vào năm 2100 do sự giãn nở nhiệt các đại dương và sự tan băng của các khối băng cực.

Biến đổi khí hậu cũng gây ra hậu quả kinh tế rất lớn. Thiệt hại do hậu quả trực tiếp của tai họa tự nhiên trong năm năm 1954-1959 là 35 tỉ đô la Mỹ, trong khi thiệt hại giữa các năm 1995-1999 là khoảng 340 tỉ đô la Mỹ. Năm 2004, tai họa tự nhiên liên quan tới sự nóng lên toàn cầu giết hại hơn 190.000 người, với tổng thiệt hại 141 tỉ đô la Mỹ.

An ninh năng lượng

An ninh năng lượng đồng nghĩa với sự bảo đảm liên tục và đủ các dạng năng lượng với giá cả hợp lý. Chú ý tới an ninh năng lượng là việc tối quan trọng do sự phân bố không đều các nguồn nhiên liệu hóa thạch mà hầu hết các quốc gia đang dựa vào.

Trong số 1.000 tỉ thùng dầu trữ lượng còn lại thì Bắc Mỹ chiếm 6%, Trung Mỹ và Mỹ Latinh 9%, châu Âu 2%, châu Á-Thái Bình Dương 4%, châu Phi 7%, Nga 6%. Còn lại 66% được phân bố tại các nước Trung Đông. Trữ lượng dầu khí của các nước không thuộc vùng Vịnh đang sụt giảm nhanh hơn các nước vùng Vịnh. Với tốc độ sản xuất dầu như hiện nay, nhiều nước sản xuất dầu lớn như Nga, Mexico, Hoa Kỳ, Na Uy, Trung Quốc và Brazil sẽ bị cạn kiệt trong vòng chưa tới 20 năm nữa.

Phân tích trên cho thấy hiện trạng năng lượng hiện nay là không bền vững. Thêm vào đó, chỉ một vài biến cố nhỏ ở vùng Vịnh cũng đủ gây ra biến động về giá dầu trong những năm vừa qua.

Việc tăng giảm giá dầu là các chủ đề nóng trên thế giới. Nhu cầu tăng, đặc biệt là ở các nước như Trung Quốc và Ấn Độ, các vấn đề địa chính trị trên thế giới đặc biệt ở vùng Vịnh và các cú sốc về nhu cầu liên quan đến thời tiết đã làm tăng giá dầu thô liên tục. Sau khi đạt đến mức cao kỷ lục 147 đô la/thùng, giá dầu lại giảm nhanh không kém vì tác động của khủng hoảng kinh tế – tài chính toàn cầu.

Trong khi đó, các nguồn năng lượng tái tạo (thủy điện, mặt trời, gió và khí sinh học) có khả năng đáp ứng nhu cầu năng lượng hiện tại và tương lai mà không gây ra bất kỳ tổn hại đáng kể nào về môi trường. Với mối quan ngại ngày càng tăng của biến đổi khí hậu, sụt giảm trữ lượng nhiên liệu hóa thạch, con người phải nhanh chóng phát triển các dạng năng lượng sạch. Hướng đến các nguồn năng lượng tái tạo sẽ là lời giải cho bài toán an ninh năng lượng trong tương lai.

TS Trần Phương Đông

Thời báo Kinh tế Sài Gòn, 5-3-2009

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *