Trái phiếu xanh (Green Bonds)

Trái phiếu xanh là công cụ nợ (debt instrument) dùng để cấp tiền cho các dự án đầu tư phát triển bền vững và thân thiện môi trường. Hay nói cách khác TPX là công cụ nợ ở đó một nhà đầu tư (người mua trái phiếu) cho người phát hành vay tiền trong một khoảng thời gian nhất định với một lãi xuất cố định hoặc thay đổi.  Trái phiếu xanh còn là công cụ để hướng các dòng tiền từ dự án đầu tư “nâu” (brown)-gây tác động môi trường, sang đầu tư “xanh” (green)- thân thiện môi trường.

Thị trường trái phiếu xanh (TPX) bắt đầu nở rộ từ năm 2014, và đạt 42 tỷ USD vào năm 2015. Có nhiều nhân tố làm nhà đầu tư quyến rũ với TPX. So với các đầu tư xanh khác, TPX là công cụ khá đơn giản và có thu nhập ổn định. TPX cũng hấp dẫn với các nhóm nhà đầu tư muốn cải thiện các vấn đề môi trường. Cuối cùng, TPX do các tổ chức tài chính quốc tế hoặc tập đoàn công ty lớn phát hành thường có đủ quy mô để hấp dẫn các nhà đầu tư.

Tuy nhiên có nhiều thách thức liên quan đến TPX. Trước hết, đó là sự khiếm khuyết trong khuôn khổ quản lý nhà nước về thị trường TPX; thứ hai, là chi phí đáng kể để đánh dấu (xếp loại) một trái phiếu gọi là “xanh”; thứ ba là còn thiếu một kênh phát triển mạnh mẽ cho các dự án xanh trong đó lợi tức từ trái phiếu có thể được dùng để đầu tư. Tại các nước đang phát triển và mới nổi, TPX còn gặp một số hạn chế. Thị trường vốn kém phát triển và mức đánh giá tín dụng thấp đối với các tổ chức phát hành TPX gây ra các trở ngại cho việc phát hành TPX. Hơn nữa, TPX hầu như không được phát hành vì mục đích huy động bổ sung cho tài trợ dự án giảm thiểu biến đổi khí hậu. Để giải quyết các thách thức đó và nâng cao tiềm năng của TPX trong việc cho vay (loan) cho dự án phát triển bền vững, cần phải thiết lập một khuôn khổ quản lý nhà nước thích hợp. Chỉ khi đó thị trường TPX mới đủ chín muồi.

Khuôn khổ quản lý nhà nước cần phải định rõ vai trò của TPX cũng như việc báo cáo, giám sát và đánh giá thường xuyên việc tuân thủ các tiêu chuẩn (compliance with standard), trên cả các quy định của chính lĩnh vực công nghiệp đó. Điều quan trọng là có biện pháp để bao hàm việc quản lý nhà nước và chia sẻ thông tin với các chủ thể liên quan. Chính phủ và các ngân hàng phát triển đa phương (multilateral development bank-MDB) có thể đóng vai trò quan trọng phát triển sâu thị trường TPX bằng cách giảm chi phí phát hành, là điều kiện tiên quyết để TPX có thể được huy động.

Các biện pháp trên sẽ giúp làm tăng sự tin tưởng đối với thị trường TPX. Thiếu sự tin tưởng đó, rất khó để TPX thỏa mãn sự mong đợi để huy động vốn bổ sung cho các dự án đầu tư bền vững về môi trường và chuyển hướng từ dự án đầu tư nâu sang dự án xanh.

Năm 2014, một nhóm các nhà phát hành TPX và nhà đầu tư xây dựng một bộ Quy tắc TPX (Green Bond Principle – GBP) là hướng dẫn (không bắt buộc) có đồng thuận về TPX. Theo quy tắc này, TPX là bất kỳ công cụ trái phiếu nào mà lợi tức được dành riêng để hỗ trợ tài chính một phần hoặc từng phần hoặc tái hỗ trợ cho các dự án “đúng tiêu chí” xanh mới hoặc đang hiện có. Ví dụ, các dự án đó phải là có lợi về môi trường và bền vững, thuộc một trong các hạng mục sau: năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng, quản lý chất thải, sử dụng đất bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học, giao thông sạch, quản lý nước bền vững, và thích ứng biến đổi khí hậu. Cuối cùng là quyết định của nhà phát hành đánh dấu trái phiếu là “xanh”.

Trần Phương Đông

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *