Theo Luật bảo vệ Môi trường (55/2014/QH13, hết hiệu lực 31/12/2021, sẽ được thay thế bằng văn bản luật mới 72/2020/QH14 hiệu lực 1/1/2022, khoản 3 Điều 29 quy định “Đánh giá sơ bộ tác động môi trường” có hiệu lực từ 1/2/2021), được sửa đổi bổ sung tại các văn bản luật số 35/2018/QH14, 39/2019/QH14, 61/2020/QH14, nêu: “Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) là việc phân tích, dự báo tác động đến môi trường của dự án đầu tư cụ thể để đưa ra biện pháp bảo vệ môi trường khi triển khai dự án đó”. “Đánh giá sơ bộ tác động môi trường (ĐSBTM) là việc xem xét, nhận dạng các vấn đề môi trường chính của dự án đầu tư trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi hoặc giai đoạn đề xuất thực hiện dự án đầu tư”.
Tác động môi trường là bất kỳ sự thay đổi nào của môi trường, dù bất lợi hoặc có lợi, toàn bộ hoặc từng phần do các khía cạnh môi trường của một tổ chức gây ra (TCVN ISO 14001:2005).
Do đó câu hỏi trong quá trình ĐTM của một dự án hay hoạt động nào đó là yếu tố nào của môi trường (như không khí, nước, đất, hệ sinh thái) bị thay đổi, tích cực hay tiêu cực, đến đời sống và sức khỏe con người cũng như môi sinh. Việc đánh giá cũng chỉ ra mức độ tác động và dự báo tác động để đề ra và lựa chọn giải pháp giảm thiểu hoặc không gây tác động tiêu cực. Báo cáo ĐTM là kết quả thực hiện quá trình ĐTM, có sự tham vấn của cộng đồng nơi thực hiện dự án. Báo cáo ĐTM là tài liệu để xem xét quyết định dự án hoặc hoạt động có thể được tiến hành hay thực hiện hay không. Như vậy, ĐTM là một công cụ của Quyết định môi trường (EDM).
Xem thêm về ĐTM và EDM tại đây: Leknes 2001