Nghiên cứu đánh giá đầu tiên về tác động mực nước biển dâng tại Việt Nam

Dự án “Đánh giá khả năng thiệt hại do mực nước biển dâng (MNBD)” (Vietnam Coastal Zone Vulnerability Assessment-VVA) tại dải ven biển Việt Nam được thực hiện từ 11-1994 đến 4-1996 do chính phủ Hà Lan tài trợ với sự hợp tác của một số tổ chức Việt Nam, Hà Lan và Ba Lan thực hiện.

Đặc điểm địa lý của Việt Nam với đường bờ biển dài và vùng nội địa hẹp (miền trung) tạo ra một tỷ lệ cao giữa đường bờ biển trên diện tích lãnh thổ. Ngập lụt ở dải ven biển chủ yếu do lưu lượng nước sông cao, nước dâng do bão, và đê yếu. Ngập lụt trở thành tác nhân cản trở nghiêm trọng đối với phát triển kinh tế và dân số, đặc biệt ở khu vực miền trung và đồng bằng sông Cửu Long (Mekong Delta). Ở khu vực đồng bằng sông Hồng, ngập úng, xâm nhập mặn, và việc duy tu đê điều là những vấn đề hệ trọng.

Mekong Delta: Vùng đất có khả năng bị thiệt hại do MNBD

Các kết quả chính của nghiên cứu gồm:

Ở điều kiện khí hậu vào lúc đó (1995), và không có hiện tượng MNBD, khả năng thiệt hại do thiên tai ở khu vực dải ven biển như sau:

  1. Rủi ro thiệt hại về giá trị vốn khoảng 720 triệu USD do thiên tai ngập lụt hàng năm, và thiệt hại này dự tính tăng 10 lần trong vòng 30 năm sau đó do có các dự án phát triển và đầu tư trong khu vực này, chiếm 3-5% GDP tương ứng với các năm 1995 và 2025;
  2. Căn cứ vào dân số năm 1995, khoảng 1 triệu người phải đối mặt với rủi ro do thiên tai ngập lụt tại đồng bằng sông Cửu Long và sông Hồng. Theo ước tính dân số vào năm 2025, và theo kế hoạch phát triển hiện tại (1995), dân số phải đối mặt với rủi ro do thiên tai tăng lên gần 60%;
  3. Một diện tích rộng lớn đất ngập nước có nguy cơ suy thoái do hoạt động con người gây ra.

Chính phủ Việt Nam đã có kế hoạch xây dựng các công trình bảo vệ dải ven biển (chưa tính đến hiện tượng MNBD). Kế hoạch bao gồm củng cố và nâng cấp các tuyến đê biển, di dân đến các khu vực cao hơn và bổ sung hệ thống bơm thoát nước, tổng chi phí ước tính 6,5 tỷ USD, tương đương 1/3 GDP lúc đó. Nếu kế hoạch được thực hiện đầy đủ, rủi ro và thiệt hại có thể giảm 10%.

Khả năng thiệt hại do mực nước biển dâng

Biến đổi khí hậu (BĐKH) gây ra sự thay đổi cường độ và tần xuất bão, lượng mưa, và các thay đổi khí tượng khác. Mực nước biển trung bình tăng lên do sự ấm lên của các khối nước đại dương và khối băng tan từ các vùng cực. Các nghiên cứu đánh giá rằng khả năng MNBD sẽ tăng từ 30cm đến 100cm trong vòng 100 năm (từ thời điểm thực hiện dự án nghiên cứu). Dự án đã chọn kịch bản MNBD là 1m để đánh giá tác động và phương án thích ứng. Tác động có thể xảy ra như sau (nếu không có các biện pháp bảo vệ, và dân số vào năm 1995):

  1. Tác động không chỉ xảy ra ở dải ven biển mà cả vùng lục địa cao hơn. Nước biển xâm nhập sâu hơn vào các con sông (chảy ra biển);
  2. Khoảng 17 triệu người bị ảnh hưởng do ngập lụt hàng năm, trong đó hơn 14 triệu thuộc các tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long;
  3. Thiệt hại khoảng 17 tỷ USD do ngập lụt hàng năm, chiếm 80% GDP. Theo kịch bản phát triển 30 năm, tổng giá trị thiệt hại gần 270 tỷ USD;
  4. Các khu vực đất trũng bị ảnh hưởng lớn do ngập lụt. Nếu MNBD 1m, không có các công trình bảo vệ bổ sung, ước tính khoảnh 40.000 km2 sẽ bị ngập lụt hàng năm;
  5. Khoảng 1.700 km2 (chiếm 60% tổng diện tích) khu vực bảo tồn đất ngập nước sẽ bị ảnh hưởng hoặc nước biển dâng đe dọa. Các khu vực đất ngập nước có nguy cơ bao gồm các khu rừng đước ở Xuân Thủy, Bình Thuận, và Vũng Tàu;
  6. Các công trình bảo vệ bờ biển cho kịch bản MNBD 1m bao gồm nâng cao đê biển, bổ sung các trạm bơm, nuôi bãi (đổ thêm cát cho bãi biển), phát sinh thêm 2,4 tỷ USD. Do đó, tổng chi phí cho kế hoạch bảo vệ xấp xỉ tới 9 tỷ USD.

Giải pháp thực hiện

Quản lý tổng hợp dải ven biển (Integrated Coastal Zone Management-ICZM) là một quá trình được kiến nghị áp dụng nhằm giải quyết các vấn đề phát triển hiện tại và lâu dài ở khu vực dải ven biển Việt Nam. Quá trình quản lý này bao gồm việc xem xét thiệt hại về môi sinh, chất lượng các hệ sinh thái dưới nước và trên cạn, thay đổi chế độ thủy văn, ứng phó hoặc thích ứng MNBD và các ảnh hưởng khác do BĐKH. Phát triển bền vững nguồn tài nguyên ven biển Việt Nam bằng các giải pháp sau:

  1. Xem xét đầy đủ các yếu tố môi trường nêu trên trong việc ra quyết định phát triển kinh tế-xã hội;
  2. Lập quy hoạch chiến lược phát triển cho dải ven biển ở cấp quốc gia, điều phối ở cấp tỉnh, và thực hiện ở cấp cơ sở địa phương (huyện/xã);
  3. Liên kết cả hai phương dọc (quyết định từ trung ương) và ngang (chia sẻ thông tin và đồng thuận ở địa phương/cơ sở) trong quá trình lập chính sách ở mọi cấp.

Cải thiện việc ra quyết định và thực hiện quyết định bằng cách huy động kiến thức đang có về hệ sinh thái ven bờ, dự án phát triển kinh tế-xã hội, và các quy hoạch kinh tế, hạ tầng và môi trường hiện có. Theo nguyên tắc đó, sau đây là các ưu tiên cho việc Quản lý tổng hợp dải ven biển:

  1. Xây dựng khuôn khổ Quản lý tổng hợp dải ven biển để giải quyết tác động của các công trình bảo vệ ven biển đối với nông nghiệp và đề án phát triển công nghiệp;
  2. Xác lập thể chế phù hợp cho Quản lý tổng hợp dải ven biển vào cơ cấu tổ chức quản lý hiện có, tránh trùng lặp và là lập mới;
  3. Xây dựng và duy trì cơ sở dữ liệu địa lý và chuyên đề cũng như hệ thống thông tin bao gồm Hệ thông tin địa lý (GIS), cung cấp cơ quan lập chính sách và nhà quản lý liên quan đến các vấn đề vùng ven biển;
  4. Xây dựng, chi tiết, chuẩn bị và thực hiện các chương trình quản lý tổng hợp dải ven biển tại các khu vực ven bờ “nổi cộm”, bao gồm (theo kết quả nghiên cứu):
    1. Lập tiêu chuẩn an toàn cho hệ thống đê biển và tài liệu thiết kế cho các công trình bảo vệ bờ biển, đồng thời thiết lập chương trình giám sát các công trình đó;
    1. Phát triển bền vững hệ thống cảng biển Bà Rịa-Vũng Tàu (tham khảo nghiên cứu);
    1. Phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản đầm phá Tam Giang-Cầu Hai;
    1. Tình trạng thiếu hụt bồi tích liên quan đến lưu vực sông xói lở bờ ở tỉnh Nam Định;
  5. Thu thập dữ liệu và xây dựng công cụ để hỗ trợ các ưu tiên nêu trên;
  6. Thúc đấy hợp tác trao đổi quốc tế, đào tạo và huấn luyện thực hành trong lĩnh vực quản lý tổng hợp dải ven biển;
  7. Tìm các nguồn tài trợ phát triển dải ven biển./.

Trần Phương Đông

Nguồn: Zeiler R.B. (1997): “Continental shorelines: climate change and integrated coastal management”.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *